top of page
Ảnh của tác giảInformation

Bất động sản quay về giá trị thực?

Thị trường bất động sản kém thanh khoản, theo đó, nhiều đợt giảm giá bán đã xảy ra. Chuyên gia cho rằng, mức giảm giá của thị trường hiện tại từ 30 - 50% phần nào đó sẽ làm cho mặt bằng giá quay lại mặt bằng giá thực và giúp cho người mua, đặc biệt là nhu cầu ở thực dễ tiếp cận hơn đối với bất động sản trong giai đoạn này.


Bất động sản về giá trị thực


Trước những biến động của thị trường, thanh khoản cũng từ đó mà sụt giảm mạnh mẽ. Theo đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp cũng phải hạ giá bán, mức giảm lên tới 50%.


Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết, quý IV/2022 TP. HCM chỉ có khoảng 300 căn hộ mới chào bán nhưng tỷ lệ tiêu thụ đạt chưa đến 25%. Đây là quý có tỷ lệ giao dịch căn hộ thấp nhất trong cả năm 2022 bất chấp cuối năm luôn là “mùa gặt” của thị trường nhà đất.


Trái ngược với thời điểm 6 tháng đầu năm, đà tiêu thụ ảm đạm của thị trường căn hộ tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam gia tăng dần trong nửa cuối năm 2022. “Nếu hai quý đầu năm, TP. HCM có gần 14.000 căn hộ mới chào bán, tỷ lệ tiêu thụ luôn đạt con số 70-80% thì bước sang quý III, giao dịch ảm đạm hơn khi mà nguồn cung mới tung ra thị trường chỉ có khoảng 1.250 căn nhưng tỷ lệ tiêu thụ chưa đến 52%.


Đỉnh điểm rơi vào 3 tháng cuối năm, toàn thị trường có 450 căn hộ sơ cấp mở bán nhưng lượng tiêu thụ mới đạt khoảng 25% trong tổng số nguồn cung. "Đây là tình trạng chưa từng xuất hiện trong 5 năm trở lại đây, nhất và vào giai đoạn cận Tết, thời gian đỉnh điểm để tất tay cuối năm”, ông Tuấn cho hay.


Theo vị này, thị trường sơ cấp xuất hiện nhiều chính sách chiết khấu thanh toán nhanh khủng, lên đến 40-50% giá trị bất động sản nhưng không đủ kéo đà sụt giảm của thanh khoản. Thị trường thứ cấp xuất hiện nhiều giao dịch cắt lỗ, giảm giá mạnh đến từ nhóm nhà đầu tư và người mua cần tiền gấp phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân, hay sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà, phải thanh lý bớt bất động sản để cơ cấu dòng vốn và giảm áp lực do lãi suất cho vay leo thang.


Đại diện DKRA Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến thanh khoản sụt giảm là do giá bán liên tục tăng cao trong 5 năm qua. Nguồn cung căn hộ lại có sự chênh lệch rất lớn, khi nghiêng về phân khúc cao cấp, hạng sang. Trong khi, nhà đầu tư chiếm đến 70% lượng tiêu thụ và thường dùng đòn bẩy tài chính nên thị trường có biến động thì hiện tượng bán giảm giá sẽ diễn ra nhanh chóng.


Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho rằng, mặt bằng giá hiện tại đã tăng 2 - 3 lần so với giai đoạn 2014 - 2015. Do vậy, mức giảm giá của thị trường hiện tại từ 30 - 50% phần nào đó sẽ làm cho mặt bằng giá quay lại mặt bằng giá thực và giúp cho người mua, đặc biệt là nhu cầu ở thực dễ tiếp cận hơn đối với bất động sản trong giai đoạn này.


“Bắt mạch” thị trường 2023


Nhiều chuyên gia cho rằng, cuối năm 2022 mới chỉ là đáy đầu tiên của thị trường bất động sản. Làn sóng giảm giá, thanh khoản kém có thể kéo dài tới năm sau.


Dự báo về diễn biến thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cho rằng, có 2 kịch bản xảy ra.


Thứ nhất, thị trường bất động sản năm 2023 khả năng vẫn còn khó bởi dòng vốn chưa được khơi thông.


Thứ hai, sau Tết Quý Mão, Chính phủ sẽ có một số chính sách điều chỉnh. Thị trường sẽ dần ấm lên và ổn định đến cuối năm. Kịch bản này có thể xảy ra cao hơn.


Cũng theo ông Đính, để thích ứng, doanh nghiệp bất động sản sẽ chủ động cơ cấu lại sản phẩm tại các dự án đang phát triển theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Đồng thời tập trung phát triển nhiều hơn các sản phẩm bất động sản có giá phù hợp tại các dự án mới. Khi đó thị trường sẽ lưu thông và thanh khoản tốt hơn.


Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số được các doanh nghiệp lựa chọn, ứng dụng tích cực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cung cấp thông tin, dữ liệu về thị trường, giúp thị trường bất động sản minh bạch, phát triển bền vững, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.


PGS.TS Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra 3 kịch bản cho thị trường bất động sản năm sau.


Với kịch bản thứ nhất, ông Chung dự báo thị trường tiếp tục điều chỉnh theo hướng thu hẹp, thực chất hơn. Đây là phương án có khả năng xảy ra nhất. Trong bối cảnh các nguồn tiền không có đột biến, các chính sách cũng phải đến cuối năm 2023 mới được thông qua, nhiều khả năng thị trường sẽ phát triển theo xu hướng này.


Kịch bản thứ hai có phần tích cực hơn khi thị trường có động năng mới do ban hành bộ ba luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi đồng thời với tình hình trong và ngoài nước ổn định và vốn nước ngoài tiếp tục vận hành vào. Khi đó, vốn trong nước sẽ được kích hoạt và hấp thu để đón chờ một chu kỳ đi lên mới. Thị trường bất động sản vượt qua điểm lõm. Kịch bản này có thể xảy ra nhưng xác suất thấp vì có nhiều điều kiện nằm ngoài khả năng của nền kinh tế Việt Nam.


Kịch bản thứ ba, ông Chung cho rằng kinh tế thế giới khó khăn và kinh tế trong nước bị ảnh hưởng đồng thời với kinh tế vĩ mô diễn biến đi ngang. Thị trường bất động sản sẽ đi xuống do các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Nếu không có khoản tiền đáp ứng yêu cầu trả lãi và tất toán, thị trường bất động sản bắt buộc phải điều chỉnh giảm để cơ cấu lại thị trường. Theo ông Chung, kịch bản này khó xảy ra nhưng không phải không thể xảy ra.


Thanh Phong

Nhịp sống thị trường

Nguồn: https://markettimes.vn/bat-dong-san-quay-ve-gia-tri-thuc-12127.html

bottom of page