'Không biết bao giờ mới mua được nhà ở' là câu cửa miệng của không ít cặp vợ chồng trẻ ở các đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM khi có ai đó hỏi chuyện an cư.
Giấc mơ có được một căn nhà ở hoặc căn hộ càng xa vời hơn khi những năm gần đây giá nhà đã lên cao chót vót, số lượng căn hộ mở bán nhỏ giọt như cà phê phin trong khi lại gặp thêm cái eo khó vay vốn, dù có vay được đi nữa lãi suất cũng trên trời.
Trong cuộc làm việc với các doanh nghiệp bất động sản ngày 17-2, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại một thực tế là giá căn hộ ở nhiều nơi không hợp lý. Thủ tướng dẫn chứng là phải mất một năm thu nhập bình quân đầu người (gần 100 triệu đồng) mới mua được 2m² nhà ở.
Còn ở TP.HCM, dù doanh nghiệp nào cũng than thị trường "đóng băng" nhưng giá nhà lại nóng "bỏng tay", chưa có dấu hiệu nguội lạnh. Mới đây, một số ít căn hộ của một dự án tại TP Thủ Đức được bung ra thị trường với giá lên đến cả trăm triệu đồng mỗi m².
Ngặt nghèo hơn khi cả một quý vừa qua số lượng căn hộ mở bán quá ít, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây khiến nguồn cung quá ít ỏi, đối nghịch với nhu cầu hiện rất lớn của những người muốn an cư. Cung ít, cầu nhiều trong khi thủ tục kéo dài là cắc cớ khiến giá nhà trên trời.
Khó mua nhà giá cao, người mua quay sang tìm hiểu những căn đang chiết khấu đến 40-50%, giá nhà còn khoảng 1,2-2 tỉ đồng. Doanh nghiệp đang âm thầm bán những căn hộ này nhưng thời gian giao nhà "hứa" là khoảng 4-6 năm.
Thời điểm này, khách được giảm giá sâu với điều kiện đóng tiền mặt một lần lên đến 95% giá trị căn hộ. Với những người làm công ăn lương, có được hơn 1 tỉ đồng để đóng một lần như thế rất gian truân, buộc phải tìm tới ngân hàng. Tới bước này mới hay dự án chỉ mới nằm trên giấy, chưa đủ thủ tục, chưa xây dựng, chẳng có ngân hàng nào dám cho vay nên "tắc".
Quan trọng hơn, dù có tiền rót vào đi nữa thì đây đều là những dự án hoàn toàn trống pháp lý, chưa đủ điều kiện mở bán theo luật nên nộp tiền vào cũng nhận lại bản hợp đồng mong manh "hứa mua, hứa bán". Rất nhiều vụ kiện tụng, bao nhiêu người điêu đứng cũng vì những bản hợp đồng này.
Quá nhiều chủ đầu tư đã không thể xây được nhà khi nhiều năm trời không xong thủ tục trong khi tay đã cầm cục tiền của người dân. Bỏ tiền vào dự án này chẳng khác nào giao cả gia sản cho chủ đầu tư rồi chờ ngày nhận nhà bằng "hợp đồng niềm tin".
Còn một thị trường khác vẫn còn dòng chảy bán mua đó là chuyển nhượng đơn lẻ, mua đi bán lại các căn hộ cũ. Thế nhưng, người đi mua đang gặp phải hố sâu khó nhảy qua để tiếp cận vốn là lãi suất quá cao.
Dù mặt bằng lãi có hạ nhiệt nhưng thời điểm này vẫn cao ngất ngưởng khiến phần đông người mua nhà không đủ sức để mua nhà rồi nặng gánh dồn gần như toàn bộ thu nhập để đóng tiền lãi hằng tháng cho nhà băng.
Những người có nhu cầu thực sự mua nhà để ở đang thực sự bế tắc giữa ngã ba đường mà rẽ vào nhánh nào cũng vấp rào cản thép gai khiến giấc mơ nhà tuy gần mà xa.
Rất nhiều cuộc làm việc giữa các doanh nghiệp bất động sản với các cơ quan chức năng diễn ra gần đây nhưng người lao động chỉ mong một điều. Đó là hãy hướng về giấc mơ có nhà của những người lao động đang góp sức lực cho tăng trưởng đất nước bằng việc tăng nguồn cung, kéo giảm giá và hỗ trợ lãi suất...
Ở Nhật Bản, người mua nhà để ở thực sự sẽ được hưởng lãi suất rất thấp, có thời điểm chỉ 1-2%, thậm chí không có lãi. Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng cho người mua nhà với lãi suất thấp hơn 1,5-2%.
Nhưng với mặt bằng lãi suất cao và giá nhà chót vót hiện nay, người lao động kỳ vọng có những chính sách đột phá hơn về lãi suất và giá, hướng đến người mua nhà có nhu cầu thực để sớm hiện thực hóa giấc mơ "an cư lạc nghiệp". Nguồn: https://tuoitre.vn/chong-chenh-giac-mo-co-nha-20230219074101166.htm